Thông tin tổng quan về thành phố Buôn Ma Thuột

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 22-11-1904, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, đặt tỉnh lỵ tại Buôn Ma Thuột, dưới sự bảo hộ của Khâm sứ Trung Kỳ, các công sứ người Pháp, đặc biệt là Sabatier muốn duy trì việc biệt lập Tây Nguyên. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột – làng của cha Y Thuột (tiếng Êđê: Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên Thuột – Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột). Đến nay, Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột với hành trình 120 năm hình thành và phát triển.

Về vị trí địa lý: Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên 37.718 ha, dân số 434.256 người với 107.969 hộ, gồm 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15,8% dân số. Thành phố có vị trí trung tâm tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây nguyên: Phía Bắc giáp huyện Cư M’gar, phía Nam giáp huyện Krông Ana, Cư Kuin, phía Đông giáp huyện Krông Pắc, phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; có 19 đơn vị hành chính, trong đó 11 phường, 8 xã với hệ thống giao thông đường bộ rất thuận lợi với các quốc lộ 14, 14C đi tỉnh Đắk Nông, Gia Lai; quốc lộ 19, 29 đi tỉnh Phú Yên; quốc lộ 27 đi Lâm Đồng và quốc lộ 26 đi Khánh Hòa. Về hàng không có sân bay Buôn Ma Thuột đến Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng và Quảng Ninh. Thành phố có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Về khí hậu: Thành phố có sự kết hợp giữa khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng khí hậu cao nguyên phía Tây dãy Trường Sơn. Do đó, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa lớn, cung cấp nguồn nước tưới dồi dào cho canh tác nông nghiệp. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa, khí hậu mát mẻ, hấp dẫn khách du lịch.

Về tài nguyên du lịch thiên nhiên: thiên nhiên ưu đãi cho thành phố Buôn Ma Thuột, cùng với bàn tay con người qua thời gian đã hình thành mạng lưới hồ thiên nhiên, nhân tạo gắn với những khu rừng, đồn điền cà phê, cao su, các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo nên không gian thoáng đãng, trong lành, là nơi khai thác du lịch hấp dẫn, như hồ Ea Kao, Ea Chư Cáp, Ea Nao, Đạt lý, Ea Tam … Sản vật nông nghiệp rất phong phú, đa dạng như cà phê, tiêu, ca cao, sầu riêng, bơ …nổi bật nhất là cà phê, từ lâu đã nổi tiếng trên toàn thế giới, thành phố Buôn Ma Thuột được coi là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Cà phê Buôn Ma Thuột với hương liệu và chất lượng độc đáo đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, nổi tiếng thế giới. Từ cây cà phê có khả năng phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn như tham quan, trải nghiệm trồng, thu hoạch, chế biến, thưởng thức cà phê; thân cây, hạt cà phê làm hàng mỹ nghệ, lưu niệm phục vụ du khách. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm một lần, đây là cơ hội cho Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng xúc tiến, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của mình phục vụ phát triển du lịch.

Về tài nguyên du lịch nhân văn: Thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn du khách, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, 03 di tích cấp quốc gia như: Đình Lạc Giao, Biệt Điện Bảo Đại, Bia tưởng niệm 100 chiến sỹ Nam tiến và nhiều di tích danh thắng cấp tỉnh: di tích danh thắng hồ Ea Kao, di tích Tượng đài Mậu Thân 1968…. Các di tích văn hóa, lịch sử của Thành phố là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Buôn Ma Thuột. Lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng riêng biệt, như: lễ hội cồng chiêng, lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe, lễ cưới của dân tộc Êđê, M’nông, lễ tế Đình Lạc Giao, tết của dân tộc thái…

Về văn hóa phi vật thể: với những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ khá độc đáo, như: hát Kuưt, Ay ray, Kông tuôr (trao vòng), múa mời rượu, múa khiêng, múa xoang… đây là nguồn phát triển du lịch với các điểm đến du lịch cộng đồng, như: buôn Akǒ Dhông, buôn Tơng Jŭ, buôn Tuôr …

Từ những đặc trưng riêng biệt về điều kiện tự nhiên và con người nơi đây, đã tạo cho Buôn Ma Thuột một nét văn hóa đặc sắc. Từ ngàn xưa, vùng đất Tây Nguyên đã là cái nôi cho nhiều nhóm sắc tộc thiểu số, như: M’nông, Êđê, Jrai, Bahnar, giẻ, Raglai, Xtiêng, Mạ, Brâu, Churu… Nhắc đến Buôn Ma Thuột, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bản trường ca hào hùng, cà phê, nhà dài truyền thống, nhà mồ và Không gia văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO ghi nhận là kiệt tác di sản văn hóa của nhân loại.