Đắk Lắk thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Ngoài những tiềm năng về điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, Đắk Lắk còn được biết đến là nơi có nền văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng và giàu bản sắc, sự độc đáo về kiến trúc, âm nhạc, lễ hội cùng những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Sức hút du lịch cộng đồng

Với “vốn quý” là nền văn hóa truyền thống đặc sắc của 49 dân tộc cùng chung sống, đồng bào các dân tộc thiểu số trong các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, sản phẩm làng nghề thủ công: nghề gốm, dệt thổ cẩm, đan lát,… Mỗi thôn, buôn cũng đã tìm ra những hướng đi riêng phù hợp, tạo điểm nhấn khác biệt để hấp dẫn, cuốn hút du khách, thúc đẩy loại hình du lịch này phát huy được sức hút và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở các buôn làng và bảo tồn văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số ở địa phương.

Hiện nay, Đắk Lắk có 16 buôn được quy hoạch, đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, có 4 buôn đã được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm gồm: buôn Akŏ Dhông, buôn Tơng Jŭ (Thành phố Buôn Ma Thuột), buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana).

Buôn Akŏ Dhông được xem là điểm nhấn trên bản đồ du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) bởi những nhà dài truyền thống nhuốm màu thời gian được chăm chút, bảo dưỡng cẩn thận, là con đường nội buôn sạch mát giữa cây xanh, hoa dại, cả những quán cà phê, địa điểm lưu trú gây ấn tượng bởi cách trang trí đậm nét truyền thống, chất chứa những huyền tích từ thuở khai rừng lập buôn… Đặc biệt, những món ăn đậm vị của đồng bào Êđê từ những nguyên liệu dân giã quen thuộc như cà đắng, lá mì, bắp chuối, củ nén… là một trong những lý do níu chân du khách khi đến với buôn du lịch bậc nhất giữa lòng thành phố này.

Tại buôn Tơng Jŭ (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột), người dân cũng đã chung tay xây dựng buôn du lịch, đưa du lịch cộng đồng dần vào đời sống. Sở hữu nhiều nét đẹp bình dị cùng bản sắc văn hóa độc đáo, buôn Tơng Jŭ lưu giữ nhiều nghề truyền thống như dệt vải, nấu rượu cần, chế tác thủ công… Trải dài suốt đoạn đường trong buôn là hàng chục bức hoạ thể hiện rõ nét về đời sống, văn hóa các dân tộc Êđê, M’nông và những cảnh quan đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk thu hút được nhiều du khách đến tham quan.

Buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Êđê và M’nông. Buôn hiện còn lưu giữ khoảng 50 nhà dài truyền thống cùng nhiều giá trị văn hóa của người Êđê và M’nông như: Diễn tấu cồng chiêng, hát Ay ray, múa xoang, các lễ cúng bến nước, mừng lúa mới, bỏ mả và nhiều nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, chế tác nhạc cụ… Gần buôn có thác Dray Sáp thượng (Gia Long) và thác Dray Nur là hai di tích danh lam thắng cảnh quốc gia hấp dẫn nhiều du khách.

Buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là một trong những buôn phát triển du lịch của huyện Buôn Đôn nhờ còn lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng và độc đáo của các dân tộc; có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, lễ hội cồng chiêng, lễ hội truyền thống văn hóa các dân tộc, Hội voi Buôn Đôn, Tết Punimay (tết truyền thống dân tộc Lào)…; ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Buôn Trí nằm bên cạnh dòng sông Sêrêpốk và chỉ cách khu du lịch Cầu Treo Buôn Đôn vài trăm mét nên thuận lợi để triển khai du lịch cộng đồng.

Các buôn du lịch cộng đồng đang hoạt động thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực; cung ứng các dịch vụ du lịch; các cấp, ngành chức năng tích cực phổ biến thông tin giới thiệu, xây dựng các tour, tuyến về du lịch cộng đồng… Nhờ đó, loại hình du lịch này bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, sinh kế cho một bộ phận người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phát triển DLCĐ góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương, giúp chuyển đổi hình thức làm kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con gắn với phát triển du lịch. Chính vì vậy, phải làm sao để cộng đồng hiểu rõ và tích cực tham gia vào làm du lịch một cách chủ động thì mới tạo được “sức sống” cho du lịch cộng đồng.

Mặc dù việc phát triển loại hình DLCĐ đã được chính quyền địa phương các cấp quan tâm, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết các hoạt động sản xuất; cơ sở vật chất du lịch, các hoạt động, dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ khách đang còn chưa chuyên nghiệp.

Tạo sức bật cho du lịch cộng đồng

Để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy Đắk Lắk đã định hướng thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Lắk, huyện Buôn Đôn là 3 trọng điểm về phát triển du lịch, được ưu tiên tập trung đầu tư để đưa ngành du lịch của tỉnh phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Trong Chương trình triển khai thực hiện Nghị số 08/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk tập trung hỗ trợ cho 5 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó buôn Akŏ Dhông tại thành phố Buôn Ma Thuột là buôn được chọn thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng vào năm 2022, từ đó nhân rộng, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư thực hiện đề án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách tham quan làng nghề, nghề truyền thống và sản phẩm OCOP; Lớp xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, giúp người dân định hướng những sản phẩm hiện có, thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng.

Việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng cần phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của khách du lịch (gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng địa phương; trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường ngày của người dân; tham quan phong cảnh…); và thu hút được các doanh nghiệp đầu tư về dịch vụ như hướng dẫn, ẩm thực, lưu trú, nhất là lưu trú tại nhà dân (homestay)…

Với chính sách, sự hỗ trợ để xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực cùng với quyết tâm của chính quyền, người dân, các buôn sẽ sớm hoàn thành mô hình buôn du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển bền vững và có chiều sâu.