Các nghi lễ vòng đời – Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ…
Lượt xem:
Các nghi lễ vòng đời
Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan (trường ca, sử thi) nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Kteh M’lan,… Người Ê Đê yêu ca hát, thích tấu nhạc và thường rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Nhạc cụ có cồng chiêng, trống, sáo, khèn, gôc, Kni, đàn, đinh năm, đinh tuốc là các loại nhạc cụ phổ biến của người Êđê và được nhiều người yêu thích.
Các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk nói chung, buôn Tơng Jŭ nói riêng, có một nền văn hoá nghi lễ – lễ hội vô cùng độc đáo. Nó đi suốt vòng đời của mỗi con người, từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến khi sinh ra, trưởng thành rồi trở về với thế giới tổ tiên ông bà. Đối với dân tộc Ê đê có các nghi lễ như sau: Lễ cúng khi người mẹ mang thai, lễ cúng trước khi sinh, lễ cúng đặt tên thổi tai, lễ cúng đầy tháng, lễ cúng đầy một mùa rẫy, lễ cúng đầy ba mùa rẫy, lễ cúng đầy bảy mùa rẫy, lễ cúng tròn 15 mùa rẫy, lễ cúng trưởng thành (tròn 17 mùa rẫy), lễ hỏi chồng, lễ cưới chồng, lễ cúng sức khoẻ cho đôi vợ chồng trẻ, lễ cúng sức khoẻ hàng năm của mỗi gia đình, lễ cúng sức khoẻ cho chủ nhà khi bước vào tuổi 50, 60, 70, 80… lễ cúng vào nhà mới, lễ rước kpan, lễ kết nghĩa anh em, lễ tiếp khách, lễ tang, lễ bỏ mả…
- Lễ cầu sinh đẻ:
Lễ được tổ chức khi người phụ nữ có mang ba tháng. Với nghi lễ này người phụ nữ mang thai và gia đình tin tưởng rằng đứa trẻ sinh ra sẽ khoẻ mạnh thông minh hơn người.
- Lễ đặt tên:
Được thực hiện sau khi cháu bé ra đời một ngày. Lễ có hai bước. Bước thứ nhất là cúng Yàng Bah Huê, thần che chở trẻ sơ sinh và con người. Tiếp theo là lễ thổi tai (Băng Kiga) cho trẻ.
Lễ cúng đặt tên là một nghi lễ quan trọng trong hệ thống nghi lễ vòng đời người. Nó là niềm hy vọng của gia đình đứa bé về tương lại tốt đẹp của con mình.
- Lễ trưởng thành
Là một trong những lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời người của dân tộc Êđê.
Khi cháu bé mới sinh, trong lễ đặt tên, dăm dei (người cậu) đeo vào tay cho cháu một cái vòng đồng và cúng cho cháu một bộ áo khố, một đôi dép da trâu, một vỏ quả bầu khô đựng nước, một chiếc khiên, một thanh đao. Tất cả được bỏ trong một chiếc gùi và người mẹ cất giữ cẩn thận.
Cháu bé phải trải qua bảy lần cúng sức khoẻ, mỗi lần cúng, người ta đánh dấu vào chiếc vòng một khấc. Khi vòng đủ bảy khấc thì đứa bé đến tuổi trưởng thành (khoảng 17 – 18 tuổi).
Sau lễ trưởng thành, chàng trai được tự do đi làm ăn xa, hoặc tìm bạn đời và kết nghĩa anh em với người khác buôn
- Lễ hỏi chồng
Là lễ mở đầu trong bốn lễ cưới. Các cô gái Ê đê được tự do lựa chọn người yêu. Nếu cô gái tìm được người vừa ý thì báo với cha mẹ để chuẩn bị làm lễ hỏi. Nhà gái chuẩn bị một lễ hỏi gồm một ché rượu, một vòng đồng để cúng thần. Sau đó gia đình cô gái cùng ông mối đến nhà trai. Nếu nhà trai ở buôn khác thì những người hỏi chồng mang thêm gói cơm nếp. Đến nhà trai ông cậu cầm chiếc vòng đồng hỏi ý kiến chàng trai lần cuối. Chàng trai trả lời ưng thuận. Họ làm lễ trao vòng. Cô gái và chàng trai cùng nắm tay vào chiếc vòng đồng. Đó là lời giao ước hôn thú. Từ đây chàng trai, cô gái trở thành bạn đời, hai gia đình thành thông gia. Mỗi bên gia đình cử ra người đỡ đầu (miết ava). Miết ava là người thay mặt hai gia đình khuyên răn, bảo ban cô gái, chàng trai, thu xếp mọi sự bất hoà giữa hai người này hoặc giữa hai gia đình; đồng thời định ngày làm các lễ tiếp theo và lễ cưới chính thức cho đôi bạn trẻ.
- Lễ uống rượu cần mừng năm mới:
Được tổ chức hàng năm, vào cuối mùa rẫy, khoảng từ tháng 12 đến tháng 1 dương lịch. Lễ được tổ chức tại nhà chủ buôn (khoa buôn) có sự tham gia của cả buôn.
Đến ngày lễ, người ta buộc vào gốc blang kbao một con trâu đực. Già trẻ, trai, gái mặc quần áo đẹp tụ tập quanh cây nêu và con trâu. Chiêng trống nổi lên. Ba chàng trai to khoẻ, được già làng chọn trước, mặc khố, ở trần, một người cầm dao, hai người cầm cây lao dài múa trước mặt con trâu và đi vòng quanh con trâu (ngược kim đồng hồ) bảy vòng. Bất thần chàng trai cầm dao chém vào khuỷu chân trái sau của trâu. Chàng lại lựa thời cơ chém vào khuỷu chân phải sau của trâu. Con vật bị thương nặng lồng lộn. Một trong hai chàng trai cầm cây lao, nhanh như ngọn gió nhằm đúng vị trí, đâm vào tim con trâu. Chàng trai thứ hai cầm lao đâm tiếp. Con trâu quỵ xuống, mọi người hò reo, mừng vui.
Sau đó già làng cầm cần rượu hít một hơi dài rồi trao cần cho mọi người (theo thứ tự nữ trước, nam sau). Chiêng trống rộn ràng. Mọi người vừa uống rượu vừa ăn thịt trâu nướng. Cứ thế suốt đêm, già trẻ, trai gái ăn uống, nhảy múa, ca hát theo nhịp chiêng trống xung quanh bếp lửa, mừng năm mới.
- Lễ lên nhà mới
Gồm nhiều nghi lễ: Trước hết là nghi lễ nổi lửa. Tất cả các bếp trong nhà đều đốt lửa. Trong một nhà sàn Ê đê thường có nhiều bếp: bếp chủ, bếp khách, bếp các con.
Sau đó là lễ cúng tổ tiên ông bà, mời các vị về dự lễ cúng nhà mới, cầu mong những người đã khuất chứng giám và phù hộ cho con cháu.
Sau lễ cúng yàng (thần) nhà là lễ cúng sức khoẻ cho chủ nhà và các con cháu trong gia đình của chủ nhà mới với ý nghĩa cầu cho chủ nhà có nhà mới sống ấm êm, hạnh phúc và gắn bó với cộng đồng.
- Lễ bỏ mả
Lễ bỏ mả là một lễ lớn trong hệ thống nghi lễ vòng đời của dân tộc Êđê nói chung và nhóm dân tộc Êđê Mdhur nói riêng. Theo quan niệm của người Êđê: Sau ba năm chôn cất người quá cố thì gia đình, dòng họ lại tổ chức lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên ông bà. Lễ này được tổ chức sau mùa rẫy, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch. Lễ bỏ mả được tổ chức trong từng gia đình riêng lẻ và có sự tham gia của cả dòng họ và cả cộng đồng buôn làng.