Rượu cần

Lượt xem:

Đọc bài viết

Rượu cần được xem là thức uống đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk. Ở mảnh đất đầy nắng và gió này đã tồn tại nhiều cụm từ nổi tiếng về rượu cần như: Đêm rượu cần, say ngất ngây như men rượu cần.

Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý. Nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào cho ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít phơi khô, sau đó đem giả nhuyễn thành bột đem trộn với gạo. Cho một ít nước vào rồi chia viên nắm lại, ủ đến khi lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn. Tất cả xếp vào một cái ché theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô, rượu ủ 3 ngày là có thể dùng được. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra, dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.

Du khách hãy đến buôn Tơng Jŭ để trải nghiệm làm rượu cần, thưởng thức rượu cần cùng với bà con nơi đây!